Hoắc hương đã từng được mệnh danh là mùi hương của thập niên 60 vì chúng được sử dụng nhiều bởi những người yêu âm nhạc, yêu không khí tiệc tùng và đặc biệt là cả những thanh niên thích sử dụng chất kích thích - đây cũng là lý do khi nhắc đến hoắc hương, nhiều người thường ngay lập tức cho rằng mùi hương này "dirty", ẩm ướt, nổi loạn và... khó chấp nhận được.
Dù luôn gợi đến mùi hương của đất, nhưng hoắc hương không phải là một loại gỗ hay rễ cây, mà chính xác là một loài thực vật thuộc họ bạc hà, có tên khoa học là Pogostemon cablin. Bằng một cách kì diệu nào đó, những chiếc lá trông có vẻ mỏng manh này lại mang mùi hương bao gồm cả ngọt ngào, cay nồng, một chút hăng của khói và sắc thái mạnh mẽ của gỗ tuyết tùng. Hoắc hương được đánh giá là tinh chất có mùi hương mạnh nhất trong số các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật.
Các nhà điều chế mùi hương thường luôn ưu ái dành một vị trí cho Hoắc hương nhờ sự nồng nàn mà chúng mang lại. Không chỉ thích hợp với nhóm hương phương Đông, Hoắc hương còn có khả năng kết hợp với những nguyên liệu khác và xuất hiện trong các sản phẩm thuộc nhóm hương Chypre cũng như hương phấn. Hoắc hương thường sánh đôi cùng hoa hồng nhằm mục đích cân bằng mùi vị ngọt ngào của loài hoa này, tạo thành một hương thơm nồng nàn và sâu sắc.
Tên gọi của Hoắc hương được tạo nên một cách khá đơn giản, xuất phát từ tiếng Tamil, với "patchai" (màu xanh) và "ellai" (chiếc lá). Loài cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia và Indonesia, sau đó đến Trung Đông qua con đường tơ lụa. Có thể bạn chưa biết, Hoắc hương là một loại thuốc chống côn trùng tuyệt vời, có khả năng xua đuổi ruồi và một số loại bọ khác. Khởi đầu bởi Nữ hoàng Eugenie, phụ nữ Pháp ở thế kỉ 19 sử dụng khăn choàng cổ Paisley mang hương thơm của Hoắc hương để đối phó với thời tiết lạnh lẽo - đó cũng là lúc Hoắc hương bắt đầu có giá trị và trở thành một nguyên liệu đặc biệt trong ngành công nghiệp điều chế mùi hương.
Phần tinh chất nồng nàn nhất của Hoắc hương tập trung ở những cặp lá trên cùng. Sau khi cắt, những chiếc lá này sẽ trải qua quá trình lên men giải phóng hương thơm. Chỉ có những người thợ với tay nghề cao và một số nhà máy chất lượng mới có khả năng tạo ra tinh chất Hoắc hương có thể làm hài lòng những chiếc mũi của các nhà sáng tạo mùi hương.
Cho đến hiện tại, Hoắc hương vẫn là một thành phần mùi hương thường xuyên gây tranh cãi, có người ghét bỏ nhưng vẫn có người mê say. Thế nên hãy để bản thân một lần cảm nhận mùi hương đặc biệt của loài cây này nhé.